Văn hóa ẩm thực

Nậm pịa, món ăn độc đáo của Thái ở Tây Bắc

Nậm pịa, hay còn được gọi là nặm pịa, hoặc pịa, món ăn truyền thống và độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Đối với người Thái, nậm pịa là món ăn không thế thiếu khi đãi khách. Chính vì cái tên cũng như hương vị là lạ mà nậm pịa gây cho thực khách bao cảm giác lạ lùng, thú vị.

Nậm pịa, hay còn được gọi là nặm pịa, hoặc pịa, món ăn truyền thống và độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Đối với người Thái, nậm pịa là món ăn không thế thiếu khi đãi khách. Chính vì cái tên cũng như hương vị là lạ mà nậm pịa gây cho thực khách bao cảm giác lạ lùng, thú vị.

Nậm pịa là món ăn riêng có ở Tây Bắc, do đồng bào người Thái sáng tạo và gìn giữ bao đời nay. Tên nậm pịa theo tiếng Thái, “nậm” là canh, “pịa” là chất sền sệt trong ruột non của con bò, con trâu, con dê.


Ảnh: Nậm pịa, món ăn lạ miệng của người Thái ( Đỗ Thảo)

Pịa được lấy từ ruột non của những con vật ăn cỏ như dê, bò, trâu và một số loại khác. Sự tỉ mỉ, khéo léo của người Thái tập trung cao độ ở món ăn này. Khi mổ những con vật này, người Thái lấy bộ lòng non và thắt hai đầu lại để giữ nguyên chất dịch trong ruột non. Chất dịch đó là phần quan trọng để làm món nậm pịa, được lấy cẩn thận để đem nấu.

Bà con người Thái lấy lục phủ ngũ tạng của con vật đó như cuống tim, dạ dày, gan, ruột non... đem ninh nhiều giờ liền với xương cho đến khi nước dùng đủ vị ngọt và ngậy. Phần ruột non sau khi đã lấy pịa thì cắt khúc đem ninh cùng xương, rồi cho pịa vào và nêm cùng các loại rau thơm, lá đắng, rau mùi được băm nhỏ. Gia vị của món ăn này bao gồm ớt, tỏi, và mắc khén, một loại gia vị ma thuật của núi rừng Tây Bắc. Những loại rau thơm và gia vị tôn lên hương vị đậm đà của món ăn.


Ảnh: bát nậm pịa sền sệt, nhìn không mấy hấp dẫn nhưng có vị khá lạ và ngon

Nậm pịa được đun cho đến khi sánh lại, nước dùng sền sệt, màu nâu. Nếu mới nhìn, món nậm pịa không được bắt mắt, cũng như mùi vị khi nếm thử miếng đầu tiên sẽ gây khó chịu cho một số người. Vị đắng hăng và hơi khó ngửi, thậm chí với một số người sẽ thấy đắng ngắt, khó ăn. Nhưng nếu cảm nhận thật kỹ, thật chậm, món ăn này sẽ cuốn hút lòng người.

Vị đắng của lá đắng, của rau rừng, vị cay nồng của mắc khén đưa thêm vị ngọt của xương, thịt và pịa, làm cho người ăn cảm nhận vị đắng nơi đầu lưỡi rồi chuyển thành vị ngọt say mê nơi cuống lưỡi.

Nậm pịa được dùng như món canh hoặc món nước chấm. Khi dùng là nước chấm, người Thái luộc thịt bò, thịt dê để chấm cùng nậm pịa. Dùng là món canh, nậm pịa được ăn với cơm và các loại rau thơm. Dùng theo cách nào, nậm pịa cũng nổi bật được hương vị lạ, lan tỏa tới mọi giác quan.


Ảnh: ăn kèm nậm pịa và các loại rau thơm hoặc dùng như món nước chấm ( Đỗ Thảo)

Chúng tôi bất ngờ và thích thú thưởng thức cảm giác là lạ bởi vị đắng chuyển sang ngọt một cách li kì, khiến những ai đã ăn, thì sẽ mê mẩn, không quên được. Nét độc đáo của món nậm pịa cũng như nét đặc sắc trong ẩm thực của người Thái cứ ru lòng người một cách nhẹ nhàng, quyến rũ.

Nậm pịa, một món ăn mang màu sắc hoang sơ, lâu đời vào bậc nhất của núi rừng, là nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái, khiến cho bước chân du khách quyến luyến mảnh đất và con người, xao xuyến với những hương vị riêng có của rẻo cao.

Theo afamily.vn