An toàn thực phẩm

Những mối hiểm họa đến từ việc ăn uống

Hầu hết nguyên liệu của những nhà hàng đều được đưa từ vùng khác về. Đó là nguồn lây bệnh nguy hiểm do các loại kí sinh trùng lạc chỗ từ những vùng dịch tễ khác đưa đến, dễ gây các biến chứng nguy hiểm.

Cuối năm là dịp của những trận ăn uống, các cuộc liên hoan, chiêu đãi lu bù… Chỗ nào có của ngon vật lạ, các món đặc sản được đưa lên danh sách để thết đãi, mời mọc nhau cho lạ miệng và khác kiểu. Thực khách phấn khởi và vô tư ăn uống, để mặc những nguy cơ gây bệnh tự tung tự tác hoành hành.


Hầu hết nguyên liệu của những nhà hàng đặc sản đều được đưa từ vùng khác về các thành phố. Đó là nguồn lây bệnh nguy hiểm do các loại kí sinh trùng lạc chỗ từ những vùng dịch tễ khác đưa đến, dễ gây các biến chứng nguy hiểm.

Các loại thịt lợn Mán, lợn Mường

Lợn càng còi càng dễ bị bệnh lợn gạo. Những món ăn chắc chắn nhiễm sán, gây bệnh cho người gồm: tiết canh, thịt bóp giấm, thịt bóp chanh tái… Ấu trùng sán dây kí sinh trong lợn truyền sang và kí sinh trên người.
Ấu trùng sán lợn thường cư trú trên não, gây động kinh, mờ mắt, liệt.

Phát hiện: Người mắc sán lợn chỉ xác định khi có biến chứng xuất hiện các nang trên cơ thể. Các nang này nổi lên dưới da như những cục hạch nhưng khác hạch vì nó chỉ nằm ở phần các cơ trên cơ thể.

Nem chua, nem thính

Nem thính được chần qua nước sôi, có khi thái mỏng, để sống, bóp gia vị, hành, tỏi và trộn với thính. Nếu ăn phải thịt lợn gạo sống mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành sẽ mắc ấu trùng sán lợn. Ấu trùng sán lợn có thể tồn tại và phát bệnh sau rất nhiều năm.

Phát hiện: Biểu hiện ban đầu thường gây liệt cơ, nói ngọng, thụt lưỡi, co giật, động kinh do các nang sán kí sinh trong não gây ra. Triệu chứng của nó dễ lẫn với các bệnh khác nên bệnh nhân thường mất thời gian và chi phí đi khắp các bệnh viện và thường được chẩn đoán sang các bệnh khác như rối loạn tuần hoàn não…

Thịt bò, lươn, chó, mèo, cá, tôm, ếch, rắn

Chế biến dưới dạng tái, gỏi sẽ dễ mắc giun đầu gai. Khi vào dạ dày, ấu trùng giun đầu gai chui qua vách dạ dày và di chuyển khắp cơ thể. Chúng tiết dịch gây viêm, hoại tử. Giun cũng có thể chui vào mắt gây sưng, đỏ, xuất huyết trong mắt, mù mắt. Chúng chui vào gan, phổi, ổ bụng sẽ gây đau vùng gan, dịch tràn màng phổi…

>>Phát hiện: Người bệnh thấy đau dữ dội trong cơ thể; xuất hiện các cục u có thể  thay đổi vị trí, đôi khi sưng phù.

Hướng dẫn phát hiện những chứng giun thông thường

– Giun đũa: Biểu hiện đặc trưng là đau bụng quanh rốn; buồn nôn.
– Giun móc: Thiếu máu, lòng bàn tay nhợt nhạt chứ không đỏ hồng hào; niêm mạc mắt nhợt.
Biện pháp tẩy giun định kì chỉ có hiệu quả với các loại giun kí sinh ở người. Với các loại kí sinh trùng lạc chỗ thì biện pháp này hầu như không có tác dụng.

Nhiều loại kí sinh trùng khi vào cơ thể không chỉ đi theo đường ruột mà phát triển ở nhiều khu vực khác nhau nên xét nghiệm phân chỉ là một phương pháp. Ngoài ra, người ta phải xét nghiệm máu, chụp hoặc dùng các phương pháp kĩ thuật khác để xác định.

Nếu bạn muốn ăn những món tái, sống…

– Phải ngâm thực phẩm trong giấm có nồng độ đậm đặc tối thiểu 5 tiếng.

– Chọn các loại thực phẩm tươi sạch, nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Rửa rau sống ít nhất là 5 lần nước dưới vòi nước chảy mạnh.

– Dao, thớt và tay của người chế biến thực phẩm sống phải riêng biệt với thực phẩm chín.

– Cuối cùng, tốt nhất, nên ăn thức ăn chín kĩ. Không nên hoặc hạn chế tối đa ăn món tái, sống.

Các thực phẩm cua, cá, nộm ngó sen, nước rau má, những loại rau sống nửa trên cạn, nửa dưới nước như rau cần, muống nước… nhiễm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Biểu hiện lâm sàng khi nhiễm loại sán này khá mơ hồ: đau bụng, tiêu chảy, táo bón, ngứa, vàng da… Đó là trong trường hợp nhiễm sán nhiều. Trong trường hợp ít thì thường không có triệu chứng rõ ràng.

Phát hiện: Cách duy nhất để phát hiện chúng là soi phân tìm trứng và xét nghiệm máu.

Tư vấn
TS Đặng Thị Cẩm Thạch
Trưởng khoa Kí sinh trùng
Viện Sốt rét Kí sinh trùng – Côn trùng TW
Theo thucphamantoan.com