Ẩm thực du lịch

Cơn sốt trà sữa tại Việt Nam lên báo Nhật

Trên trang Nikkei, bài viết Vietnam embraces Taiwan-style bubble tea (Tạm dịch: Việt Nam mê đắm trà sữa Đài Loan) của tác giả Atsushi Tomiyama nhận định Việt Nam là quốc gia có văn hóa uống cà phê lâu đời, nhưng "đang phải nhường chỗ cho loại trà sữa pha chế ăn kèm với trân châu và thạch trái cây".

Theo mô tả trong bài viết, các quán trà mang phong cách Đài Loan phục vụ loại trà sữa lạnh được pha chế kèm với vị trái cây, thạch và trân châu - thường được gọi là trà sủi bọt (bubble tea) - đang "làm mưa làm gió" tại Việt Nam.

"Tại trung tâm thủ đô Hà Nội, một quán trà sữa Ding Tea thường đông đúc khách hàng nữ", tác giả mô tả. Ding Tea là một thương hiệu trà sữa có xuất xứ từ Đài Loan. Du nhập vào Việt Nam từ năm 2013, Ding Tea giờ đây đã phủ sóng toàn quốc với hơn 200 cửa hàng.

"Giá các loại đồ uống dao động từ 30.000 - 60.000 đồng, mắc hơn một chút so với giá một ly cà phê. Tuy nhiên, mức giá cao cũng không làm giảm độ thu hút của chúng đối với các nữ nhân viên văn phòng và giới sinh viên", bài viết bổ sung.

Trà sữa được xem là "thức uống quốc dân" của Đài Loan, xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ này. Tác giả bài viết cũng cho rằng "Trà sữa Đài Loan tương tự như thành phần trong chè - đồ uống tráng miệng truyền thống của người Việt Nam, khiến loại đồ uống này càng dễ dàng được chào đón".

Bài viết cũng đề cập đến TocoToco - một thương hiệu trà sữa Việt Nam xuất hiện trên sân chơi tiềm năng này từ năm 2013, cung cấp "các sản phẩm và mức giá tương tự Ding Tea".

"Có rất nhiều các cửa hàng ở trung tâm thành phố hoặc gần trường học, hoạt động dưới hình thức các cửa hàng bán thức uống mang đi (take-away)", bài báo mô tả.

Cơn sốt trà sữa tại Việt Nam lên báo Nhật - Ảnh 2.

Trà sữa làm mưa làm gió ở Việt Nam, chinh phục giới văn phòng và sinh viên - Ảnh: Hành trình xanh

Nguyễn Bích Ngọc, một khách hàng nữ tại Hà Nội, cho biết cô đến TocoToco ít nhất ba lần một tuần. Cô không thích vị đắng của cà phê. Cô thích trà hơn vì "dễ uống hơn và ngon như các món tráng miệng" khi thêm vị trái cây và trân châu.

"Theo truyền thông địa phương, có 30 thương hiệu trà sữa đang hoạt động tại Việt Nam với hơn 1.500 cửa hàng. Gong Cha và Co Co là các thương hiệu Đài Loan nằm trong số đó".

Thị trường đồ uống có dấu hiệu chuyển mình

Tại các hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam như Co.opmart, Citimart hay Aeon, doanh số bán các loại trà, đặc biệt là trà mang hương vị trái cây đang gia tăng đáng kể.

The Coffee House, một chuỗi cửa hàng tập trung vào cà phê tại Việt Nam đã mở một cửa hàng trà sữa nhượng quyền thương hiệu "nức tiếng" Ten Ren của Đài Loan vào tháng 11-2017. Họ cũng tuyên bố sẽ phát triển thêm 40 cửa hàng trong năm nay.

Báo Nhật dẫn chứng: "Trong năm 2017, mức tiêu thụ cà phê đạt 150.000 tấn, trong khi trà chiếm khoảng 1/5, ở mức 30.000 tấn. Nhưng khoảng cách đang thu hẹp, do doanh thu tại các chuỗi cửa hàng trà đã tăng hơn 20% mỗi năm".

Tác giả cho rằng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 đã tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài và các sản phẩm của họ du nhập vào trong nước. Trong đó, trà sữa thơm ngon của Đài Loan đã bắt kịp xu hướng này.

Theo tuoitre.vn