Bé Thỏ ăn dặm từ khi 5 tháng tuổi với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật kết hợp ăn dặm truyền thống. Chị Thảo cho biết, sắp tới, khi con tròn 8 tháng, chị sẽ kết hợp thêm ăn dặm bé tự chỉ huy cho con.
Ban đầu, chị cho bé ăn dặm kiểu Nhật vì muốn bé thưởng thức món ăn và cảm nhận được từng mùi vị của thức ăn, đồng thời để biết bé thích và không thích ăn gì. Ngoài ra, đây cũng là “bước đệm” để sau này bé ăn thô tốt hơn.
Sau một thời gian khi bé quen với ăn dặm kiểu Nhật, bước sang giai đoạn ăn dặm truyền thống, chị hạn chế nấu những món ăn bé không thích để giúp bé ăn ngon miệng hơn. Với bữa phụ, chị Thảo thường cho bé ăn trái cây trộn với đậu hũ non do chính tay chị làm. Ngoài ra, chị còn làm các loại sữa hạt nhằm bổ sung thêm chất cho bé. Hiện tại, bé đã ăn 2 bữa chính theo phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật, thêm 1 bữa phụ/ngày để bé bớt nhàm chán khi ăn.
Nhờ kết hợp 2 phương pháp ăn dặm và nấu cháo theo công thức 1:10, 1:8, 1:7, bé Thỏ đã ăn được cháo nguyên hạt với tỷ lệ 1:8 lúc 6 tháng rưỡi khi chưa mọc răng.
Chị Thảo cho biết: “Nhiều mẹ cứ nghĩ ăn dặm là suốt ngày toàn bột và cháo. Nhưng không phải như vậy. Mẹ vẫn có thể cho bé thưởng thức các loại mỳ udon hoặc mỳ somen, hoặc các loại nui và súp để bé không bị ngán.”
Lần đầu làm mẹ nên với chị Thảo, việc chuẩn bị ăn dặm cho Thỏ cũng còn nhiều bỡ ngỡ và lúng túng. Chị phải mất cả tháng trước đó để tìm tòi thông tin từ các trang mạng, học hỏi từ các mẹ trong hội nhóm ăn dặm để có thể thay đổi thực đơn cho bé Thỏ mỗi ngày.
Từ lúc bắt đầu ăn dặm, bé Thỏ chưa bao giờ biếng ăn, trái lại, lúc nào bé cũng hợp tác vui vẻ với mẹ. Trước khi bắt đầu cho con ăn dặm, chị đã “lên” tư tưởng cho mình: “Ăn dặm chỉ là ăn dặm”. Vì khi con dưới 1 tuổi, nguồn sữa vẫn là thức ăn chính của bé nên chị không ép bé ăn nhiều. Chị để con ăn đến khi nào con không muốn thì chị sẽ dừng để con ăn trong vui vẻ chứ không phải ăn trong nước mắt. Có lẽ vì vậy mà bé rất hào hứng khi biết sắp đến giờ ăn.
Ngoài tham khảo các công thức ăn dặm trên mạng, các món ăn chị làm cho bé cũng kết hợp theo sở thích và ý của chị. Nhưng trong bữa ăn của bé sẽ có đầy đủ 4 nhóm chất chính: bột đường, chất béo, vitamin, khoáng chất. Chị cũng luôn lưu ý những quy tắc khi chế biến đồ ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi: không nêm gia vị mắm, muối, đường...
Chị chia sẻ, để ăn dặm không nước mắt, ăn dặm là phải vui, chị không ép con ăn nhưng cũng không con cho dùng các thiết bị điện tử hay tivi, không bế rong, lúc ăn phải ngồi vào ghế ăn dặm. Có như vậy, mẹ con sẽ đỡ vất vả khi ăn dặm.
Có nhiều người hỏi chị rằng vừa chăm con vừa dành nhiều thời gian tỉ mỉ chế biến món ăn ngon cho con có mệt mỏi không, nhưng lần nào chị cũng chỉ cười nói: “Thời gian đầu mình cũng hơi mệt nhưng dần dần rồi sẽ quen. Ngày nào không nấu nướng cho bé lại cảm thấy thiếu thiếu”.
Cùng tham khảo một số thực đơn ăn dặm cho con.