Huyện Sa Pa được mệnh danh là vùng đất của các loại rượu dân tộc như: rượu ngô Bản Phố, rượu táo mèo, rượu San Lùng… Trong đó, rượu thóc Thanh Kim là một trong những món đặc sản Sa Pa nổi tiếng.
Rượu thóc Thanh Kim là đặc sản do người Dao Đỏ thuộc xã Thanh Kim, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai làm ra. Bản của người Dao Đỏ nằm nép mình dưới chân núi Fansipan. Người dân nơi đây quanh năm chỉ biết đến những thửa ruộng bậc thang và nghề trồng lúa. Trong cái bình dị của đời sống nông nghiệp, người Dao Đỏ đã sáng tạo ra rượu thóc Thanh Kim – món đặc sản độc đáo. Để tạo ra một loại sơn tửu trời ban này, họ đem ủ những hạt thóc mộc mạc cùng với loại men lá bí truyền.
Nếu đến Sa Pa mà du khách chưa thưởng thức rượu thóc Thanh Kim thì sẽ thật đáng tiếc. Hương vị thơm nồng đặc trưng kết hợp với vị ngọt mềm môi và cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Ban đầu, rượu Thanh Kim chỉ được nấu để uống trong gia đình, thết đãi khách quý hay dâng lên các vị thánh thần trong dịp lễ, tết. Nhưng với hương vị thơm ngon tuyệt vời, sơn tửu này đã có cơ hội rời non xuống phố, trở thành thứ đặc sản Sa Pa nức tiếng của người Dao Đỏ.
Ngày nay, với sự phát triển của ngành du lịch Sa Pa, nghề truyền thống nấu rượu thóc của người Dao Đỏ ngày càng trở lên phát triển.
Đến với Thanh Kim, du khách không chỉ được thưởng thức đặc sản rượu thóc tuyệt vời mà còn có cơ hội tận mắt chứng kiến quy trình làm nên những giọt rượu quý giá đó. Người Dao Đỏ ở Thanh Kim rất mến khách, chỉ cần đến thăm bản, bạn sẽ được mọi người đón tiếp nhiệt tình, dẫn tới thăm quan các quy trình, công đoạn nấu rượu.
Rượu thóc Thanh Kim được chế biến rất công phu, nguyên liệu phải là thóc trên nương, men lá truyền thống chứa đủ vị thảo dược của núi rừng Tây Bắc.
Quá trình chưng cất cũng diễn ra hoàn toàn thủ công. Thóc nương được mang về phơi khô, rửa sạch rồi cho vào nồi nấu chín từ 5 – 6 giờ đồng hồ. Sau đó, người dân địa phương vớt thóc ra, để nguội, rồi trộn với men lá đã được giã nhỏ. Sau đó, họ đem ủ vào chum khoảng 5 – 7 ngày. Khi thóc đã ngấm men, họ sẽ được chuyển sang một hệ thống ủ khác, thêm nước vào ủ tiếp 8 – 10 ngày tùy theo thời tiết. Cuối cùng, thóc đó được đem bỏ vào trõ gỗ hoặc gang rồi chưng cất thành rượu.
Có thể nói, chén rượu thóc thơm lừng không chỉ là sự kết tinh từ núi đá, mầm thóc và bí kíp lên men gia truyền mà có cả “men tình” của bà con dân tộc Dao Đỏ nơi đây.
Nếu có dịp đi Sa Pa, bạn hãy một lần ghé qua huyện Thanh Kim để thưởng thức món đặc sản Sa Pa tuyệt vời này.