So với các món được làm từ thịt vịt, vịt quay là món ăn có phần sang trọng khi thường xuất hiện trong các quán ăn, nhà hàng hay mâm cỗ, bàn tiệc trong các dịp lễ, tết. Món vịt quay hấp dẫn người ăn bằng hình thức bắt mắc và hương vị thơm ngon đặc biệt. Vịt quay xong có mùi hương thơm lừng; lớp da màu nâu vàng bóng bẩy, khi ăn sẽ cảm nhận được sự giòn tan, bùi ngậy; thịt bên trong chín mềm, dai ngọt và thấm gia vị đậm đà.
Vịt quay là món ăn cầu kỳ không phải ai cũng có thể làm được. Để làm món vịt quay bắc Kinh hay vịt quay lá mắc mật của người vùng cao, bạn sẽ tốn rất nhiều công sức và phải chuẩn bị trước ít nhất một ngày. Chính vì vậy, vịt quay thường được bán ở các quán ăn, nhà hàng với giá thành khá cao, có thể từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu đồng.
Hãy cùng vào bếp để khám phá công thức làm vịt quay ngay sau đây:
Thịt vịt sau khi mua về, bạn đem rửa sạch với nước rồi khử mùi hôi. Thịt vịt có mùi hôi đặc trưng, nếu không khử hết sẽ làm giảm hương vị thơm ngon của món ăn. Bạn có thể khử mùi hôi cho vịt bằng nhiều cách: Trộn muối và giấm với nhau, dùng hỗn hợp này để bóp vịt cả trong lẫn ngoài; dùng chanh tươi chà xát lên toàn bộ thân vịt nhiều lần; bóp vịt với gừng giã nhuyễn hoặc rượu trắng (hầu hết mọi người thường trộn 2 nguyên liệu này với nhau để khử mùi hôi thịt vị)... Cuối cùng, rửa vịt lại với nước rồi để ráo, vịt đã sạch và hết mùi hôi hoàn toàn.
Tỏi bóc sạch vỏ, 1 củ thái lát, 1 củ để nguyên.
Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái lát.
Chặt bỏ phần đầu vịt, giữ lại hết phần thân và lau thật khô.
Sơ chế vịt là bước thực hiện quan trọng để khử sạch mùi hôi
Bắc một cái chảo xào lớn lên bếp, cho lượng dầu đã chuẩn bị vào nấu sôi. Khi dầu nóng già, bạn cho cả con vịt vào chảo, lật đi lật lại để da vịt xém vàng là được. Công đoạn áp chảo này là bí quyết để giúp vịt quay có lớp da giòn ngon, mỡ vịt sẽ chảy ra giúp giảm bớt vị ngấy cho món ăn của bạn.
Đây là bí quyết để có lớp gia vịt quay giòn ngon
Bắc một cái nồi khác lên bếp, bạn cho tỏi và gừng thái lát vào đảo đều với một chút dầu ăn cho thơm. Khi gừng, tỏi cháy cạnh và dậy mùi thơm, bạn cho thêm 1 muỗng đường vào, tiếp đó đổ ½ chén rượu trắng, 750ml nước, 2 muỗng nước tương, 3 muỗng giấm gạo, hoa hồi, lá nguyệt quế, tỏi, vỏ cam và hạt tiêu vào trộn đều (các loại thảo mộc bạn lấy mỗi loại một ít).
Đun sôi hỗn hợp gia vị, khi hỗn hợp sôi bạn hạ lửa nhỏ, cho vịt vào nồi đun. Bạn lưu ý, lượng hỗn hợp gia vị trong nồi phải đủ để xâm xấp toàn bộ con vịt, có như vậy vịt mới ngấm gia vị và thơm ngon.
Ở bước này, vịt đã chín và thấm gia vị đậm đà
Đun thịt vịt liu riu trong khoảng 50 – 60 phút cho vịt thấm gia vị, trung bình khoảng 15 phút thì trở vịt một lần. Sau khi đun xong, lấy vịt ra ngoài, để ráo một chút rồi đặt vào khay nướng.
Bạn pha mật ong với một chút nước, sau đó dùng cọ phết đều lên thân vịt để khi quay vịt không bị khô, da cũng trở nên bóng đẹp. Cho vịt vào quay khoảng 12 – 15 phút ở nhiệt độ 220 độ C cho lớp da săn lại. Cuối cùng, lấy vịt ra ngoài, để nguội bớt rồi chặt nhỏ.
Vịt sau khi quay
Chặt vịt thành những miếng nhỏ, dài vừa ăn, trình bày ra đĩa.
Thành phẩm vịt quay đạt yêu cầu
Cách chọn vịt ngon
Khi mua vịt, các bạn nên chọn những con vịt trưởng thành có kích thước khoảng 1 – 1,5 kg, vịt béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Những con vịt trưởng thành, mọc đủ lông khi sơ chế sẽ rất nhanh, nếu mua phải vịt non có thể mất cả giờ đồng hồ chỉ để vặt lông vịt. Bên cạnh đó, vịt non thịt nhão, vịt già lại dai và không ngọt, vịt ở độ tuổi trưởng thành có chất lượng thịt thơm ngon nhất. Muốn phân biệt vịt ngon hay già bạn hãy nhìn vào mỏ, vịt già có mỏ nhỏ và cứng, vịt ngon mỏ to và mề. Bạn cũng có thể mua vịt đã đẻ vài lứa, vịt này có bụng dưới xệ xuống, thịt khá thơm ngon.
Khác với gà, muốn ăn thịt vịt ngon thì phải chọn vịt đực vì vịt đực có thịt thơm ngon hơn vịt cái. Vịt đực thường có đầu to, mông nhỏ, kêu to, tiếng đục hơi khàn, mắt tròn có màu nâu nhẹ, dùng tay ấn nhẹ vào bộ phận sinh dục thấy có một ống nhỏ thò ra. Vịt cái có đầu nhỏ, mông to, mắt màu nâu sẫm, ấn vào bộ phận sinh dục sẽ không thấy gì.
Vịt nuôi thả tự nhiên bao giờ cũng ngon hơn vịt nuôi công nghiệp. Mua vịt ở các hộ chăn nuôi hoặc các lò mổ gia cầm uy tín để đảm bảo chất lượng vịt thơm ngon nhất.
Để làm vịt quay ngon, tốt nhất là mua vịt sống về làm, không nên mua vịt làm sẵn hoặc vịt đông lạnh vì chất lượng không đảm bảo. Nếu ngại khâu làm thịt vịt, bạn có thể mua rồi nhờ người bán làm sẵn, khi về chỉ việc sơ chế lại rồi chế biến.
Vịt quay ăn với cơm nóng, bún tươi hay bánh mì giòn đều rất ngon. Khi ăn, bạn chuẩn bị thêm đĩa dưa leo, rau sống và một chén nước chấm. Đồ chấm thịt vịt thường là xì dầu tỏi ớt, nước tương đặc hoặc muối ớt xanh tùy ý…
Để có món vịt quay thơm ngon tròn vị, bạn có thể làm nước chấm đặc biệt dành cho vịt quay theo công thức dưới đây:
Nguyên liệu:
1 muỗng bột năng, 1 củ tỏi giã nhuyễn, 5 củ hành khô giã nguyễn, 2 muỗng cà phê bột ngọt, ½ muỗng cà phê hạt tiêu, 2 muỗng cà phê muối, ½ muỗng tương xay, ½ muỗng dầu ăn; ½ chén nước sạch và 1 trái chanh tươi.
Cách làm:
Đầu tiên, bạn cho nước sạch, muối, đường, tương xay vào tô, khuấy đều. Bắc chảo lên bếp, cho ½ chén dầu ăn vào đun nóng, tiếp đó cho hành tỏi vào phi thơm rồi đổ tô nước đã chuẩn bị vào nồi. Khuấy đều, nấu sôi khoảng 2 – 3 phút. Pha loãng bột năng với chút nước rồi cho vào nồi khuấy đều để tạo độ sánh cho nước chấm. Khi nước chấm hơi sền sền, bạn tắt bếp, thêm hạt tiêu, bột ngọt, để nguội bớt thì vắt nước cốt chanh vào khuấy đều là xong.
Nước chấm dành riêng cho món vịt quay
Như vậy là cách làm vịt quay đã hoàn thành rồi đấy các bạn! Từ bây giờ, bạn có thể tự tin vào bếp để làm món vịt quay cho gia đình thưởng thức hoặc chiêu đãi người thân, bạn bè.