An toàn thực phẩm

Ăn hai quả trứng mỗi ngày làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch

Nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ) chỉ ra ăn hai quả trứng mỗi ngày làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng 27%.

Ảnh hưởng của trứng đến sức khỏe một lần nữa trở thành chủ đề gây tranh cãi sau khi các nhà khoa học từ Đại học Northwestern (Mỹ) công bố nghiên cứu mới trên JAMA.

"Những gì chúng tôi phát hiện là nếu ăn hai quả trứng mỗi ngày, nguy cơ bệnh tim mạch tăng 27%", bà Norrina Allen, phó giáo sư từ Khoa Y tế Dự phòng Đại học Northwestern kết luận sau khi xem xét dữ liệu của 30.000 người trưởng thành trong 17 năm.

Ảnh: NPR.

Ảnh:NPR.

Theo NPR, trước đây, các nghiên cứu về trứng thường đưa ra những nhận định trái ngược. Tuy nhiên, nhìn chung không có bằng chứng rõ ràng khẳng định hạn chế tiêu thụ thức ăn giàu cholesterol sẽ làm giảm lượng LDL (cholesterol xấu) gây tắc nghẽn mạch máu.

Các chuyên gia dinh dưỡng từ Trường Y tế Công cộng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard cũng tin rằng mối liên hệ giữa chế độ ăn cholesterol và cholesterol trong máu là "rất yếu".

"Đã có nhiều dữ liệu về chủ đề này được công bố và chúng cho thấy việc tiêu thụ trứng ở mức vừa phải, không quá một quả mỗi ngày không làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ", ông Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard cho biết.

Để bảo vệ sức khỏe, ông Hu khuyến cáo mỗi người nên ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc và các loạt hạt.

Đồng tình với ý kiến của ông Hu, giáo sư Thomas Sherman từ Trường Y Đại học Georgetown chia sẻ: "Tôi luôn nói với sinh viên của mình rằng bữa sáng giàu protein là một trong những cách chống đói tốt nhất. Vì thế, tôi ghét khi họ bảo chúng ta không được ăn trứng".

"Nếu bạn đang duy trì chế độ ăn lành mạnh, nhiều thực phẩm giàu chất xơ thì trứng là một phần đáng hoan nghênh. Chỉ cần đừng ăn qua nhiều".

Sau khi xuất bản, nghiên cứu của bà Allen cùng đồng nghiệp vấp phải sự chỉ trích. Một số chuyên gia chỉ ra công trình này chỉ đơn thuần quan sát nên không đủ thuyết phục. Có thể, các thói quen sinh hoạt khác mới làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Bên cạnh đó, đội ngũ tác giả Đại học Northwestern chỉ hỏi các tình nguyện viên duy nhất một lần về chế độ dinh dưỡng. Theo thời gian, thói quen ăn uống của họ có thể thay đổi nên câu trả lời ban đầu không còn chính xác.

Dù vậy, phó giáo sư Allen cho rằng phát hiện của bà cùng đồng nghiệp chỉ ra các nhà quản lý cần đưa ra hướng dẫn cụ thể về mức tiêu thụ cholesterol. Tương lai, Đại học Northwestern sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. 

Theo vnexpress.net