Canh bon nấu với da trâu, da bò
Cây bon như cách gọi của người Thái, nguyên liệu chính để nấu canh, có nơi gọi là cây khoai nước. Bon ngọt, loại bon có chấm tím ở lá, được bà con chọn cây non mang về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm nước cho hết nhựa (có thể dùng cả rễ non của bon để nấu).
Nấu bon, không thể thiếu mắc khén. Nồi canh bon không được thiếu da trâu hoặc da bò. Đồng bào Thái thường tích luỹ thực phẩm để khô trên gác bếp. Da trâu, bò được bà con treo gác bếp cho khô, khi cần dùng đến thì đem đốt cho chín phồng, cạo sạch phần cháy tới khi miếng da lộ phần vàng óng, mang ngâm nước cho da mềm, sau đó đem nấu nhừ. Từ món ăn dân dã trong các gia đình đồng bào dân tộc Thái, nay canh bon được các nhà hàng dân tộc ở Tây Bắc chọn làm một trong những món canh đặc sản để giới thiệu tới du khách.
Món măng chua xào trứng của dân tộc Mường
Đồng bào dân tộc Mường sinh sống ở bản Heo, xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thường dùng măng chua làm từ (măng bương) xào với trứng vịt hoặc trứng gà. Cách chế biến món đặc sản này rất đơn giản, gia vị và nguyên liệu gồm có tỏi, mắc khén, ớt khô, muối, mì chính, trứng... Đồng bào Mường vớt măng chua từ hũ ra chảo rồi đổ nước lã lên đun khoảng 15 phút, sau đó phi dầu ăn lên xào măng chua. Khi măng chua chín dần, thì đập trứng vào xào khoảng 5 phút thì có thể xong một món ăn. Hương vị đặc trưng của măng chua hòa quyện cùng trứng tạo nên một món ăn thơm nức múi, làm bất cứ vị khách nào cũng phải trầm trồ khen ngon.
Bọ xít rang nước măng chua
Hàng năm cứ đến mùa nhãn ra hoa kết trái, bà con dân tộc Thái, Mường ở Sơn La đều lên vườn nhãn bắt những con bọ xít về chế biến thành các món ăn truyền thống. Cách chế biến bọ xít rang này tương đối cầu kỳ và phức tạp. Để khử hết mùi của của bọ xít, đồng bào dân tộc phải thả vào chậu nước muối loãng một lát cho chúng phun bớt tuyến hôi. Sau đó, lại ngâm và rửa sạch trong nước măng chua một lượt nữa (nước măng chua là một loại nước khử mùi tanh, hôi cực kỳ hiệu quả, được sử dụng rất nhiều ở Sơn La trong chế biến thực phẩm).
Tiếp theo, đồng bào dân tộc ướp bọ xít trộn đều với gia vị ớt, tỏi, muối, mì chính, nước măng chua ngâm khoảng 5 phút, rồi cho lên chảo rang vàng rộm, bày ra đĩa cùng với lá chanh thái nhỏ. Sau khi chín mùi hôi của bọ xít hoàn toàn biến mất, thay vào đó là mùi thơm của bọ xít rang và thơm nồng nhẹ của lá chanh mà thôi. Hiện nay, bọ xít trở thành món đặc sản của đồng bào dân tộc ở Sơn La được rất nhiều người săn lùng.
Cá nướng của đồng bào dân tộc Thái
Đến với vùng đất Tây Bắc, đặc biệt là tỉnh Sơn La trong những ngày cuối đông, du khách đừng bỏ lỡ thưởng thức món cá nướng hay còn gọi là “pa ping tộp” của người Thái Sơn La. Món đặc sản này, được người Thái chế biến và sử dụng nhiều nguyên liệu như cá trắm, trôi, chép, mương và cùng nhiều loại cá khác bắt ở các con sông, suối về tẩm ướp cùng mác khén, ớt, tỏi, xả... đã tạo thành món cá nướng thơm lừng hấp dẫn. Cá nướng của dân tộc Thái chế biến có vị lạ miệng, thơm ngon nhờ sự pha trộn tinh tế các loại gia vị, có đủ vị cay, chua, ngọt, không làm mất đi vị cá và tôn lên vị ngọt béo của cá. Nhiều nhà hàng đã đưa cá nướng vào thực đơn chủ đạo, để thiết đãi khách hàng.
Ruột lợn non nướng của người Mường
Đồng bào dân tộc Mường ở bản Heo, xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), chế ruột non nướng bằng cách rửa sạch và bóp kỹ với muối và chanh. Sau đó, đồng bào Mường đun 1 nồi nước sôi cho thêm chút gừng và ít muối, khi nước sôi thì họ thả ruột lợn vào luộc trong nồi khoảng 2 phút. Sau đó, đồng bào dân tộc Mường vớt ruột ra và rửa lại với nước lã rồi để ráo. Sau khi để ráo xong, thì họ đem ướp ruột với hạt nêm, mỳ chính, sa tế, nước mắm, hành tỏi ớt bằm nhuyễn, hạt tiêu xay... ngâm khoảng 2 phút cho ngấm gia vị. Sau đó đồng bào Mường cuốn ruột lợn vào cây lay, hoặc cây gỗ có tiết diện nhỏ rồi dùng lạt tre buộc chặt đặt lên bếp củi ướng đến khi chín. Món ruột lợn non nướng được đồng bào chế biến thiết đãi khách quý hoặc trong những dịp cưới, lễ Tết, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt của dân tộc Mường sinh sống ven lòng hồ sông Đà.
Thắng cố ngựa
Thắng cố ngựa ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) được nấu khá đơn giản với 12 thứ gia vị truyền thống bao gồm thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, ớt, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao. Trong đó, cây thắng cố chính là loại gia vị cuối cùng. Thịt và nội tạng của ngựa được rửa sạch, luộc chín, ướp trước với các loại gia vị, sau đó thả vào nồi nước dùng có xương ngựa, nội tạng, tiết và 12 loại gia vị kể trên đã được đun sôi, rồi cứ thế ninh nhừ hàng tiếng đồng hồ cho ngấm đẫm gia vị. Khi ăn, người thưởng thức có thể thêm một chút ớt, tiêu hoặc muối.
Những bát thắng cố được múc ra phục vụ thực khách từ những chảo lớn sóng sánh thịt nạc, thịt mỡ và lục phủ ngũ tạng. Nội tạng ngựa được chế biến sạch có mùi thơm, giòn giòn, quyện với mùi cay nồng của các loại rau nhúng như cải mèo, cải ngồng, cải lẩu,... chấm với loại nước chấm đặc biệt làm từ ớt. Thắng cố ngựa có thể ăn cùng với mèn mén, bánh ngô nướng và nhâm nhi rượu ngô tạo nên một hương vị đậm đà khó cưỡng.
Sâu tre rang lá chanh
Những con sâu tre dài gần bằng hai đốt ngón tay, có màu trắng muốt thường sinh sống trong những cây tre non mới mọc trên các triền núi khu vực Tây Bắc như các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Vào thời tiết đầu thu là thời điểm loại sâu tre này phát triển nhiều nhất, có những cây tre non được đồng bào dân tộc vùng cao chặt đổ xuống lấy sâu tre được khoảng nửa kg/cây.
Đặc sản sâu tre được đồng bào dân tộc Thái (đen) chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Sâu tre xào măng chua, sâu tre chiên giòn, sâu tre hấp, sâu tre đồ, sâu tre rang lá chanh… nhưng ngon nhất và phổ biến nhất là món sâu tre rang cùng với lá chanh. Bởi không chỉ đơn giản trong quá trình chế biến mà khi rang lên còn có mùi thơm khá độc đáo,s khi ăn thì giòn tan trong miệng. Với những vị khách nào đã từng lên mảnh đất (Sơn La) được thưởng thức món sâu tre rang, chắc chắn sẽ nhớ mãi cảm giác giòn tan, béo ngậy, hương vị độc đáo của món đặc sản dân tộc này.