Theo Đông y, thịt chó (cẩu nhục) vị mặn, tính ấm; vào tỳ vị thận; xương chó (cẩu cốt) vị ngọt, tính ấm, làm mạnh gân cốt, hoạt huyết, sinh cơ, chống loét. Thịt chó tác dụng ôn thận, trợ dương, bổ trung ích khí. Dùng trong các trườmg hợp đau lưng mỏi gối, đầy bụng không tiêu, đau nhức cơ thể do lạnh. Hằng ngày có thể dùng 250 - 500g bằng cách nấu, hầm, quay nướng, chiên...
Thịt chó:
Thịt chó hầm sơn dược kỷ tử: thịt chó 500 - 1.000g (làm sạch thái lát); sơn dược, kỷ tử, mỗi thứ đều 60g, thêm gia vị trộn đều, để 15 phút, thêm nước hầm nhỏ lửa cho chín nhừ. Dùng cho các trường hợp thận dương hư suy (di tinh tảo tiết đau lưng mỏi gối lạnh chi thể...), người cao tuổi cơ thể suy nhược.
Cháo thịt chó đậu hạt: thịt chó 500g (làm sạch thái lát), thêm gạo tẻ, đậu hạt hầm nhừ, thêm gia vị, ăn nhiều bữa trong ngày. Dùng trong các trường hợp tỳ vị hư hàn, đầy trướng bụng, đau bụng.
Cháo thịt chó, thịt chó áp chảo: thịt chó 500g thái lát nấu với gạo tẻ thành dạng canh, cháo, thêm gia vị hoặc nấu như món ăn thông thường dạng nhựa mận, áp chảo với riềng, xả, gia vị. Dùng trong các trường hợp cổ trướng phù nề, sợ lạnh, rét run.
Thịt chó hầm đậu đen: thịt chó 150g, đậu đen 40g cùng nấu chín nhừ, thêm gia vị thích hợp, cho ăn khi nóng, liên tục trong 5 - 10 ngày. Dùng cho trẻ nhỏ đái dầm.
Xương chó:
Xương đầu chó đốt thành tro, ngâm trong nước gội đầu. Chữa chứng phong nổi vảy trắng gây ngứa ngáy khó chịu.
Xương mình và xương chân chó (chó vàng là tốt nhất) nung đến khi thành khối màu trắng, dễ vỡ, tán mịn, rắc lên vết bỏng chảy nước, đã rửa sạch và lau khô; đặt bông gạc và băng lại. Ngày làm 1 - 2 lần. Trường hợp mới bị bỏng, dùng bột xương trộn với dầu lạc trong cối sạch, liều lượng bằng nhau, bôi lên chỗ bỏng.
Cao ngũ cốt: xương chó kết hợp với xương bò, lợn, gà, khỉ, trăn; nấu thành cao làm thuốc bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe.
Dương vật và tinh hoàn chó: Vị mặn, tính nóng; có tác dụng ích tinh, tráng dương, tăng cường sinh dục. Chữa thiểu năng sinh dục, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối. Ngày dùng 4 - 12g, dạng bột, viên hay ngâm rượu. Dùng riêng hay kết hợp với kỷ tử, nhục quế và tỏa dương.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người sau các bệnh nhiễm khuẩn sốt nóng, viêm tấy, các trường hợp âm hư hỏa vượng.