Văn hóa đồ uống

Cafe vỉa hè

Thực đơn chỉ là cà phê nóng, cà phê đá, điếu thuốc… song cà phê vỉa hè là một nét văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng, khiêm tốn với ngàn vạn triết lý.

Người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung, có truyền thống uống trà từ ngàn đời. Văn hóa “trà đạo ấy được nhà văn Nguyễn Tuân đưa lên thành tuyệt đỉnh trong tác phẩm “Vang bóng một thời của ông. Ngày nay, cùng với văn hóa trà, người Hà Nội còn có một nét văn hóa nữa cũng đẹp không kém là văn hóa uống cà phê, mà tiêu biểu là “cà phê vỉa hè.

Cây cà phê được người Pháp đưa vào Việt Nam khoảng từ 1850, ban đầu được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Ninh Bình. Sau, cây cà phê thực sự “bén duyên và nảy nở ở khu vực Tây Nguyên – nóc nhà của Đông Dương cho đến ngày nay. Cũng từ đây, hương vị thơm lừng của cà phê Việt Nam bắt đầu lan tỏa trên mảnh đất dải hình chữ S, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau…

Với mảnh đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, cùng với nét “văn hóa trà, văn hóa thưởng thức cà phê cũng bắt đầu du nhập và hội nhập như một sự tình cờ và rất có duyên, hợp tình hợp cảnh.

Đi dọc các con phố của Hà Nội, từ khu phố cổ 36 phố phường tới các con phố mới sau này như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Triệu Quang Phục… chỗ nào ta cũng có thể ghé vào một quán cà phê sang trọng với nhiều thương hiệu: Trung Nguyên, Highland, Mê Trang…

Nhưng đáng nói nhất ở Hà Nội là những quán cà phê vỉa hè!

Gọi là cà phê vỉa hè không có nghĩa là chất lượng cà phê ở đây thấp, phong cách phục vụ kém, văn hóa ẩm thực của thực khách ở đây tồi. Cà phê vỉa hè là một “đặc sản văn hóa của Hà Nội, được khai sinh và phát triển hoà nhập với văn hóa thưởng trà vốn đã có từ lâu của thành phố ngàn năm văn hiến này.

Cà phê vỉa hè là những quán nhỏ trên những vỉa hè sạch thoáng bên hồ, trong phố cổ, trên những con đường tỏa rợp bóng mát, mùa hè đỏ rực ánh phượng, mùa thu thơm ngát mùi hoa sữa, đìu hiu nhè nhẹ cơn gió từ sông Hồng thổi về. Người sành cà phê Hà Nội hẳn không thể quên những cái tên quán vỉa hè như cà phê Nguyễn Du, cà phê Thọ, cà phê Thái Phiên…

 

Người khách đến thưởng thức cà phê vỉa hè để có không gian ngồi nhâm nhi ly cà phê đăng đắng, ngòn ngọt, bùi bùi, thơm thơm để ngắm dòng đời cuộn chảy với bao người qua lại trên đường; để nghe những âm thanh quen thuộc của cuộc sống từ tiếng ý ới, tiếng động cơ xe máy, tiếng rao bán tào phớ, xôi, chè… đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ như từng nhịp đập, hơi thở của cuộc sống.

Cũng có người đến ngồi thưởng thức từng giọt cà phê, nghe lách tách cà phê rơi trong phin để đếm thời gian trôi đi như khúc tưởng niệm, để rồi viết những khúc ca trữ tình, sâu lắng. Nhưng có những người đến cà phê vỉa hè để được nghe những cuộc trò chuyện, những câu chuyện “chém gió của các bạn hữu xung quanh mà biết thêm những thông tin mới, những lẽ sống ở đời.

Cái đặc tính thích quan sát xung quanh chẳng riêng gì những người thưởng cà phê, mà có ở hầu như những người Việt - vốn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước từ mấy nghìn năm. Cho nên, cà phê vỉa hè không hẳn là cà phê bình dân, mà là một phong cách cà phê không phân biệt khách hàng cao - thấp, không phân biệt sang – hèn. Đến với cà phê vỉa hè là đến với một nét văn hóa ẩm thực nhẹ nhàng và khiêm tốn, không lòe loẹt, không phù phiếm, chứa đầy sự chân thành và đồng cảm.

Tất cả thực khách đến thưởng thức cà phê là theo cái sở nguyện, theo cái “gu thưởng thức, chia sẻ. Nhiều khi, “cà phê và “vỉa hè cũng là một cái cớ để họ ngồi chia sẻ, bàn chuyện, tâm sự hay bình luận về các vấn đề quan tâm. Câu chuyện của họ thường là những chuyện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao dàn trải từ trong nước ra khắp các lục địa; đôi khi là bàn những câu chuyện làm ăn nhanh chóng, gọn nhẹ và cũng rất… công nghiệp.

Cà phê vỉa hè vô tình hay hữu ý trở thành nơi tâm giao của biết bao người. Điều này lí giải vì sao những quán cà phê vỉa hè – tuy là vỉa hè đấy nhưng không và chẳng bao giờ xảy ra những chuyện cãi vã, to tiếng với nhau, khác hẳn với một số quán nhậu, quán bar, sàn nhảy vẫn hay có hiện tượng này.

Chẳng phải thế mà những quán cà phê vỉa hè chỉ có những chiếc ghế nhựa hay ghế gỗ nho nhỏ; thực đơn chỉ có cà phê nóng, cà phê đá, một vài chiếc kẹo lạc, vài điếu thuốc thơm…. Dù thực khách là ai, doanh nhân thành đạt, Việt kiều, quan chức hay người lao động tay chân, người công nhân, người đánh giày cũng đều có vị trí và thực đơn như thế cả. Tất cả đều bình đẳng và tôn trọng khách hàng.

Và cái nét văn hóa ẩm thực ở xứ này chỉ thế thôi cũng đã là ấn tượng lắm rồi, chứ không cần đến những nhà hàng sang trọng, tốn tiền đắt đỏ.

Có phải thế chăng mà Giáo sư Trần Quốc Vượng - vị giáo sư đầu ngành của Văn hóa học Việt Nam, đồng thời cũng là vị giáo sư “bụi nhất của Việt Nam thường hay lê la quán xá, cà phê vỉa hè để ông lắng nghe nhưng tiếng nói “tâm thức dân gian, rồi từ đó mà suy ngẫm, viết ra các trang sách về văn hóa rất tài hoa và sắc sảo cho hậu thế?

Văn hóa cà phê đã đi vào cuộc sống một cách bình dị và tự nhiên đến mức, mỗi khi gặp bạn hiền, bằng hữu hay đối tác, người ta đều bắt đầu bằng một câu cửa miệng: Cà phê nhé!/.
Theo Amthuc365.vn
Cùng chuyên mục